Các nhà sản xuất dầu mỏ lớn ở Vùng Vịnh đang tích cực chuyển hướng đầu tư vào khí đốt trên toàn cầu.
Ở Trung Đông, các công ty dầu quốc doanh nổi tiếng thường tập trung vào nhu cầu nội địa. Nhưng gần đây, các công ty Saudi Aramco của Saudi Arabia và công ty dầu khí quốc gia Abu Dhabi (Adnoc) của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã chuyển hướng đầu tư sang thị trường quốc tế và tìm kiếm thỏa thuận mới trong thương mại khí đốt tự nhiên.
Cả Saudi Aramco và Adnoc định vị thương hiệu trước hết là công ty năng lượng chứ không phải là những nhà sản xuất hydrocarbon. Ở Saudi Arabia và Abu Dhabi, có rất nhiều nguồn đầu tư và quảng bá dành cho sản xuất năng lượng bền vững.
Tuy nhiên, cả hai công ty đều nhìn thấy tương lai dành cho dầu mỏ, và đặc biệt là khí đốt – loại nhiên liệu sẽ lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào do các nguồn năng lượng tái tạo để lại.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, ngay cả trong viễn cảnh lạc quan nhất về năng lượng tái tạo, nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ chiếm 62% nhu cầu năng lượng vào năm 2030.
Với Saudi Aramco, chuyển hướng sang giao dịch LNG là một bước đi hợp lý. Saudi đã chuyển từ đốt dầu thô để sản xuất năng lượng sang khí tự nhiên và gần đây là năng lượng mặt trời và gió. Tuy nhiên, sản xuất thêm khí đốt đồng nghĩa với tăng sản lượng dầu thô, trong khi OPEC đang hạn chế nguồn cung.
Theo S&P Global, Saudi Arabia vừa công bố phát hiện 7 mỏ dầu và khí đốt mới ở địa phương, bao gồm 623 tỉ mét khối trữ lượng ở Jurafah. Với trữ lượng mới này, sản lượng khí đốt của Saudi Arabia dự kiến sẽ tăng 60% trong giai đoạn 2022-2030.
Một phần lượng khí đốt này sẽ được sử dụng để đáp ứng nhu cầu điện trong nước, và để tạo ra hydro xanh (và amoniac) từ metan. Phần còn lại bán ra thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường châu Á trong bối cảnh lục địa này đang chuyển đổi năng lượng khỏi điện than.
Abu Dhabi đang nhập khẩu ròng khí đốt và phụ thuộc vào Qatar cho các hợp đồng nhập khẩu khí đốt dài hạn đến sau năm 2030. Nhưng Adnoc hy vọng sẽ xuất khẩu khí đốt trong năm tới.