Trong khi một thỏa thuận gần đây giữa các Chính phủ đối địch ở phía Đông và phía Tây Libya đã mang lại hy vọng về sự trở lại bình thường, các nhà phân tích trong ngành cho biết tình hình vẫn chưa ổn định và không rõ khi nào khai thác có thể tiếp tục.
Các lực lượng ủng hộ lãnh đạo phía Đông Khalifa Haftar đã dừng khai thác tại các mỏ dầu và cảng lớn vào ngày 26/8, cắt giảm một nửa sản lượng.
Sự gián đoạn, đặc biệt là trong xuất khẩu sang châu Âu, đã làm xáo động thị trường năng lượng toàn cầu và khiến những người làm việc trong ngành năng lượng, nhà đầu tư và các doanh nghiệp quốc tế lo lắng.
Không phải lần đầu tiên trong năm nay, Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng, xin miễn trách nhiệm hợp đồng do các sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát.
NOC trước đó đã dừng khai thác tại mỏ dầu Sharara vào ngày 7/1 do các cuộc biểu tình, khiến nguồn cung dầu thô cho cảng Zawiya bị gián đoạn. Hai tuần sau, tình trạng bất khả kháng đã được dỡ bỏ và hoạt động khai thác được khôi phục hoàn toàn.
Đột ngột và bất ngờ
Claudia Gazzini, nhà phân tích cấp cao của International Crisis Group, người cũng từng là đại diện đặc biệt và người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại Libya, nói với VOA rằng sự gián đoạn mới nhất trong hoạt động khai thác dầu của Libya xảy ra một cách bất ngờ.
“Những diễn biến này khá đột ngột và bất ngờ, đặc biệt là khi tình hình trên thực tế tương đối yên bình”, bà Gazzini cho biết. Bà lưu ý rằng trong gần hai năm qua, một thỏa thuận đã được thực hiện, theo đó nhiều phe phái đồng ý tiếp tục xuất khẩu và khai thác dầu để đổi lấy một phần doanh thu.
Theo bà Gazzini, các khu vực khai thác dầu ở Libya chủ yếu nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng do Haftar hậu thuẫn ở phía Đông, trong khi doanh thu được phân phối bởi Ngân hàng Trung ương Libya, dưới sự kiểm soát của Chính phủ đối lập tại Tripoli.
“Ngay cả giữa các đối tác nước ngoài cũng đồng ý thỏa thuận này sẽ được duy trì, dựa trên niềm tin rằng cả hai bên đều sẽ được hưởng lợi từ doanh thu dầu mỏ, vốn là nền tảng của thỏa thuận. Chúng tôi không ngờ hệ thống hiện tại sụp đổ đột ngột như vậy hoặc cuộc đấu đá về quyền kiểm soát ngân hàng Trung ương bùng nổ”, bà Gazzini cho biết.
Bà nói thêm, “chúng tôi không biết khi nào mâu thuẫn về quyền kiểm soát ngân hàng Trung ương này sẽ được giải quyết”.
Bà Gazzini cho biết, cuộc khủng hoảng đã bùng phát khi hội đồng Tổng thống ở Tripoli sa thải thống đốc ngân hàng vào ngày 19/8. Các phe phái và Quốc hội được Haftar hậu thuẫn, những người ủng hộ thống đốc bị lật đổ, đã trả đũa bằng cách ngừng khai thác dầu.
“Chúng tôi không mong đợi một giải pháp nhanh chóng cho tranh chấp này và những gián đoạn có thể kéo dài trong một thời gian nữa”, bà cảnh báo.
Bế tắc chính trị đã khiến sản lượng dầu của Libya giảm đáng kể, dẫn đến giá dầu Brent trên thế giới tăng lên trên 80 USD/thùng trong thời gian ngắn trước khi ổn định trở lại.