Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo đã tuyên bố khởi công xây dựng một nhà máy lọc dầu công suất 300.000 thùng/ngày, nhằm đạt kỳ vọng sẽ biến quốc gia Tây Phi này trở thành trung tâm dầu mỏ (petroleum hub) của khu vực, nhưng một số chỉ trích cho rằng dự án này còn nhiều sai sót.
Ghana, quốc gia sản xuất ca cao lớn thứ hai thế giới, đã trở thành nhà khai thác dầu vào năm 2010. Sản lượng dầu thô hiện tại vào khoảng 132.000 thùng/ngày và khoảng 325 triệu feet khối khí đốt tự nhiên tiêu chuẩn mỗi ngày.
“Dự án này hứa hẹn sẽ là nền tảng cho sự phát triển của Ghana”, ông Akufo-Addo phát biểu vào cuối ngày thứ Hai tuần này tại địa điểm xây dựng dự án ở thành phố Jomoro, phía tây nam Ghana, nơi cũng sẽ bao gồm các nhà máy hóa dầu.
Giai đoạn một của dự án, ước tính có chi phí 12 tỷ USD, sẽ được tài trợ và xây dựng bởi một tập đoàn gồm Touchstone Capital Group Holdings, UIC Energy Ghana, China Wuhan Engineering Co. và China Construction Third Engineering Bureau Co, ông cho biết trên Đài truyền hình quốc gia Ghana (GTV).
Theo Hiệp hội các nhà phân phối và lọc dầu châu Phi, Tây Phi tiêu thụ khoảng 800.000 thùng/ngày, trong đó gần 90% là nhập khẩu.
Theo một thỏa thuận được ký kết vào tháng 6/2018, trung tâm dầu mỏ này đặt mục tiêu cung cấp đủ sản phẩm tinh chế và phụ phẩm để phục vụ cho khu vực vào năm 2036.
Tuy nhiên, không phải ai cũng bị thuyết phục bởi kế hoạch này.
Bright Simons, phó Chủ tịch của tổ chức tư vấn IMANI Africa có trụ sở tại Accra, cho biết tập đoàn đứng sau dự án này “chưa sẵn sàng để đầu tư và dự án không có kế hoạch kinh doanh khả thi”.
“Theo quan điểm của chúng tôi, đây là một nỗ lực đầu cơ nhằm chiếm dụng đất với giá rẻ”, ông nói.
Một số cư dân tại khu vực đề xuất xây dựng trung tâm dầu mỏ rộng 20.000 mẫu Anh, đã phản đối kế hoạch này, yêu cầu giảm diện tích của dự án xuống còn 5.000 mẫu Anh.
Oliver Barker-Vormawor, một đối tác cấp cao của công ty luật đại diện cho một số hợp tác xã nông dân bị ảnh hưởng, cho biết khách hàng của ông sẽ không lùi bước.
“Cách thức quyết liệt mà Chính phủ đang tiến hành đã bỏ qua những lo ngại hợp lệ xung quanh tác động xã hội và môi trường của dự án, sinh kế của những nông dân trong khu vực bị đe dọa do việc di dời, và những câu hỏi chưa được giải quyết thỏa đáng về quyền sở hữu và quyền sử dụng đất của cộng đồng”, ông Barker-Vormawor nêu rõ.
Cho đến nay, Chính phủ Ghana đã bác bỏ những lo ngại này khi trích dẫn các kiến nghị từ những cư dân khác ủng hộ dự án.