Giá xăng dầu thế giới quay đầu tăng tốc sau khi Hamas tuyên bố rút khỏi đàm phán ngừng bắn ở dải Gaza.
Theo Dailyfx, lúc 5 giờ 30 phút ngày 15-7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent và WTI cùng tăng nhẹ.
Giá dầu lấy lại đà tăng đầu phiên giao dịch của tuần mới là bởi kỳ vọng hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực Trung Đông tiêu tan sau khi Phong trào Hồi giáo Hamas ngày 14-7 cho biết đã rút khỏi các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza với Israel. Theo Hamas, phía nhà nước Do Thái thiếu nghiêm túc, tiếp tục trì hoãn và cản trở tiến trình đàm phán, trong khi vẫn tiến hành các cuộc tấn công gây hậu quả nghiêm trọng đối với dân thường
Tuần trước, cả dầu Brent và WTI đều ghi nhận tuần giảm giá với dầu Brent giảm hơn 1,7%, dầu WTI giảm 1,1%.
Giá dầu đã liên tục trượt dốc tại 2 phiên giao dịch đầu tiên của tuần do kỳ vọng căng thẳng ở dải Gaza sẽ hạ nhiệt sau khi các bên có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và tác động hạn chế của bão Beryl đối với nguồn cung dầu.
Giá dầu sau đó đã tăng 2 phiên liên tiếp nhờ sự hỗ trợ của tồn kho xăng dầu của Mỹ giảm và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, tồn kho dầu và xăng của Mỹ giảm lần lượt là 3,4 triệu thùng và 2 triệu thùng. Mặc dù mức giảm này khiêm tốn hơn so với mức giảm của tuần trước đó, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích.
Theo báo cáo từ Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã giảm 0,1% trong tháng 6. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 5-2020, CPI của Mỹ giảm. Điều này càng làm gia tăng hy vọng cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, dữ liệu tâm lý tiêu dùng ở Mỹ tiếp tục giảm lại phủ một lớp sương mù lên kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất. Thêm vào đó, bình luận trước đó của Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng cần thêm dữ liệu để củng cố lý do cắt giảm lãi suất lại khiến hy vọng cắt giảm trở nên mong manh hơn.
Cũng trong tuần trước, Cơ quan Năng lượng quốc tế tiếp tục nhấn mạnh nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng chậm lại xuống dưới 1 triệu thùng/ngày trong năm nay và năm sau, trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ giữ nguyên dự báo mức tăng trưởng nhu cầu thế giới ở mức 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024 và 1,85 triệu thùng/ngày trong năm 2025.
Tuần này, một loạt các dữ liệu kinh tế có thể ảnh hưởng đến biến động giá dầu là cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất và cung cấp cho thị trường thêm hướng dẫn rằng lãi suất sẽ giảm tại cuộc họp ngày 12-9); Hội nghị Trung ương 3 khóa XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (sẽ đưa ra các quyết định có thể có tác động lâu dài đến thị trường tài chính của Bắc Kinh); báo cáo lạm phát từ Canada, Anh, khu vực đồng Euro và Nhật Bản; GDP quý II của Trung Quốc và báo cáo thu nhập của Mỹ.