Theo Dailyfx, lúc 5 giờ 30 phút ngày 25-7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent và WTI cùng trượt nhẹ.
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 24-7, giá dầu bật tăng, cắt đứt chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp. Giá dầu WTI đã giảm sốc tới 7% trong 3 phiên trước, trong khi giá dầu Brent giảm gần 5%.
Giá dầu leo dốc được hỗ trợ bởi sự sụt giảm lớn trong kho dự trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ và rủi ro nguồn cung dầu ngày càng tăng do cháy rừng ở Canada. Tuy nhiên, giá dầu vẫn dao động gần mức thấp nhất trong 6 tuần do lo ngại về nhu cầu toàn cầu yếu.
Giá dầu Brent tăng 70 cent, tương đương 0,9%, lên mức 81,71 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 63 cent, tương đương 0,8%, lên mức 77,59 USD/thùng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 19-7, tồn kho dầu của Mỹ đã giảm 3,7 triệu thùng, nhiều hơn gấp đôi so với kỳ vọng giảm 1,6 triệu thùng của các nhà phân tích. Tồn kho xăng của Mỹ giảm mạnh hơn, 5,6 triệu thùng, gấp 14 lần so với kỳ vọng của các nhà phân tích là giảm 400.000 thùng. Tồn kho sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, cũng giảm 2,8 triệu thùng, ngược so với kỳ vọng tăng 250.000 thùng.
Bob Yawger, giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho ở New York, nhận xét “nhu cầu tốt hơn dự kiến”. Theo vị giám đốc này, nhu cầu xăng, sản phẩm chưng cất cao hơn sẽ hỗ trợ thị trường trong tương lai ngắn hạn.
Tuy nhiên, thị trường vẫn cảnh giác về nhu cầu toàn cầu vào mùa hè. Các nhà lọc dầu của Mỹ dự kiến sẽ báo cáo thu nhập quý II thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái sau khi mùa lái xe mùa hè ảm đạm làm suy yếu biên lợi nhuận lọc dầu.
Hạn chế đà tăng của giá dầu là triển vọng về các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas và lo ngại liên tục rằng suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, sẽ làm suy yếu nhu cầu dầu toàn cầu.
Theo Reuters, lượng dầu thô giao tới Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới, cũng giảm trong tháng 6 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2.
Giá dầu được hỗ trợ một phần bởi cháy rừng ở Canada buộc một số nhà sản xuất phải cắt giảm sản lượng và đe dọa nguồn cung lớn.
Trong khi đó, Bộ Năng lượng Nga cam kết sẽ tuân thủ hạn ngạch sản lượng dầu thô do OPEC+ đặt ra vào tháng 7, sau khi sản lượng trong tháng 6 vượt quá giới hạn.