Ngành lọc dầu toàn cầu hụt hơi

Ngành lọc dầu toàn cầu hụt hơi

Các nhà máy lọc dầu trên thế giới gặp nhiều khó khăn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về diesel và xăng giữa khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Nhu cầu nhiên liệu thế giới đã tăng trở lại mức trước đại dịch Covid-19, song các lệnh phong tỏa ở một số nơi kết hợp với làn sóng trừng phạt Nga và lệnh ngừng xuất khẩu xăng dầu ở Trung Quốc từ tháng 4 đang khiến các nhà máy lọc dầu chật vật đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tình trạng này khiến giá xăng dầu tiếp tục leo thang, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nhiên liệu ở những quốc gia tiêu thụ lớn như Mỹ, Brazil cho đến các nước nhỏ hơn như Ukraine, Sri Lanka.

Mỹ là quốc gia lọc dầu lớn nhất thế giới, tiếp theo là Trung Quốc và Nga. Nhiều nhà máy lọc dầu ở cả ba nước này đều hoạt động dưới công suất tối đa, làm suy yếu nỗ lực xả kho dự trữ để hạ giá dầu của nhiều nước.

Hai năm trước, Covid-19 khiến nhu cầu năng lượng toàn cầu xuống thấp, buộc nhiều nhà máy lọc dầu trên thế giới phải đóng cửa do lợi nhuận giảm. Nhiều cơ sở lọc dầu đóng cửa vĩnh viễn khi dự báo nhu cầu xăng dầu toàn cầu sẽ không sớm tăng trở lại, theo Ravi Ramdas, giám đốc điều hành công ty tư vấn năng lượng Peninsula Energy

Ngành lọc dầu toàn cầu hụt hơi
Biến động trong hoạt động lọc dầu và nhu cầu xăng dầu thế giới giai đoạn 2020-2022. Đồ họa: Bloomberg.

Điều này dẫn tới thực tế khi nhu cầu tăng vọt, tình trạng căng thẳng nguồn cung có thể kéo dài trong vài năm tới, khiến giá nhiên liệu tiếp tục tăng.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), công suất lọc dầu toàn cầu giảm 730.000 thùng/ngày vào năm 2021, mức giảm đầu tiên trong ba thập kỷ. Lượng dầu được xử lý toàn cầu giảm còn 78 triệu thùng/ngày vào tháng 4, thấp hơn so với mức trung bình trước đại dịch là 82,1 triệu thùng/ngày.

Dự trữ nhiên liệu cũng giảm trong 7 quý liên tiếp, khiến giá dầu thô tăng 51% trong năm nay, giá dầu sưởi giao sau của Mỹ tăng 71% và biên lợi nhuận lọc dầu của châu Âu đạt mức kỷ lục 40 USD/thùng.

Công suất lọc dầu của Mỹ giảm gần 1 triệu thùng so với thời điểm trước đại dịch, xuống còn 17,9 triệu thùng/ngày tính đến tháng 2, theo dữ liệu liên bang. Nhà phân tích độc lập Paul Sankey gọi đây là “tình trạng thiếu hụt mang tính cơ cấu” và khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn.

Tập đoàn hóa dầu LyondellBasell (LYB) gần đây cho biết họ sẽ đóng cửa nhà máy ở Houston, bang Texas, Mỹ, với công suất xử lý hơn 280.000 thùng/ngày do chi phí bảo trì cao.

Các nhà máy lọc dầu ở Mỹ đang nỗ lực hết sức để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, vốn tăng kỷ lục lên hơn 6 triệu thùng/ngày, với công suất hơn 92%, cao nhất kể từ năm 2017. “Rất khó để tăng thêm công suất lọc dầu”, Gary Simmons, giám đốc thương mại tập đoàn Valero Energy, cho biết. “Chúng tôi đã hoạt động với công suất 93%, nhưng không thể duy trì mức này trong thời gian dài”.

Lệnh cấm dầu Nga đã khiến các nhà máy lọc dầu ở đông bắc nước Mỹ thiếu nguồn nguyên liệu cần thiết. Tập đoàn Phillips 66 phải giảm công suất tại nhà máy ở bang New Jersey, đông bắc Mỹ, do thiếu nguồn dầu thô phù hợp với công nghệ.

Nga đã giảm khoảng 30% công suất lọc dầu do các lệnh trừng phạt của phương Tây, gây thiếu hụt khoảng 1,5 triệu thùng/ngày, theo các nhà phân tích từ JP Morgan. Đến cuối năm 2022, sẽ có thêm 1,3 triệu thùng dầu có khả năng không được lọc mỗi ngày.

Trung Quốc, nước lọc dầu lớn thứ hai thế giới, đã tăng công suất lọc thêm vài triệu thùng trong thập kỷ qua, song đã cắt giảm sản lượng do các biện pháp hạn chế Covid-19 những tháng gần đây. Quốc gia này cũng hạn chế xuất khẩu xăng dầu để giảm bớt hoạt động lọc dầu, như một phần trong nỗ lực cắt giảm phát thải carbon. Theo IEA, sản lượng lọc dầu của Trung Quốc đã giảm còn 13,1 triệu thùng/ngày vào tháng 4, so với mức 14,2 triệu thùng/ngày trong năm 2021.

Các quốc gia khác cũng không tăng nguồn cung. Eneos Holdings, nhà lọc dầu lớn nhất Nhật Bản, không có kế hoạch mở lại các nhà máy đã đóng cửa gần đây.

Một số dự án lọc dầu mới trên thế giới bị chậm tiến độ. Một nhà máy lọc dầu với công suất 650.000 thùng/ngày ở Lagos, Nigeria, dự kiến mở cửa vào cuối năm nay nhưng bị hoãn tới cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, một số nhà lọc dầu lớn đã bắt đầu hoạt động trở lại sau thời gian dài đóng cửa vì Covid-19. Tập đoàn TotalEnergies của Pháp đã bắt đầu quá trình tái khởi động nhà máy lọc dầu Donges có công suất 231.000 thùng/ngày vào tháng 4, sau hai năm ngừng hoạt động. Một khu phức hợp lọc dầu có công suất 300.000 thùng/ngày ở Malaysia cũng sẽ khởi động lại vào đầu tháng 6.

Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu, đặc biệt là dầu diesel, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nông nghiệp của nhiều nước, làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Nông dân Ukraine đang thiếu trầm trọng nhiên liệu vận hành máy kéo, bởi nguồn cung diesel từ Nga và Belarus đã bị cắt do chiến sự tại nước này.

Sri Lanka, quốc gia đang trải qua khủng hoảng nhiên liệu, đã đóng cửa nhà máy lọc dầu duy nhất của đất nước vào năm 2021 do không đủ dự trữ ngoại hối để mua dầu thô nhập khẩu. Nhà máy này đang tìm cách tái khởi động, khi giá nhiên liệu nhập khẩu đang có xu hướng ngày càng đắt thêm.

Tập đoàn dầu khí quốc doanh Petrobras của Brazil cho biết họ không thể đảm bảo mua được nguồn dầu diesel của Mỹ để nông dân nước này vận hành máy kéo và các thiết bị nông nghiệp khác trong vụ mùa. Brazil là một trong những nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới.

“Chúng tôi có thể gặp rắc rối thực sự nếu các nhà máy lọc dầu ở Mỹ bị hư hại trong mùa mưa bão, hay bất cứ điều gì khiến nguồn cung dầu thô trở nên khan hiếm trên thị trường”, một giám đốc nhà máy lọc dầu Brazil cho biết.

Đã đăng thành công

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon