Quốc hội Iraq đã thông qua ngân sách năm 2023 với tổng trị giá 198.900 tỷ dinar (152 tỷ USD), trong đó dự kiến mức chi kỷ lục cho lương công chức và các dự án phát triển nhằm cải thiện dịch vụ và tái thiết cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn phá. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Iraq đang đẩy mạnh đầu tư để gia tăng xuất khẩu dầu mỏ cũng như trở thành trung tâm vận tải ở khu vực.
Ngân sách trên được tính trên cơ sở giá dầu ở mức 70 USD/thùng và xuất khẩu dầu 3,5 triệu thùng/ngày, bao gồm 400.000 thùng/ngày từ khu vực bán tự trị người Kurd. Doanh thu từ dầu mỏ của khu vực này sẽ đưa vào một tài khoản do Ngân hàng Trung ương Iraq giám sát. Trước đây, chính quyền Baghdad không can thiệp được vào nguồn thu dầu mỏ tại đây vì khu vực này đơn phương xuất khẩu dầu thô.
Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua, Baghdad và chính quyền khu vực người Kurd đã ký thỏa thuận, theo đó Công ty tiếp thị dầu mỏ Iraq (SOMO) do nhà nước điều hành có quyền tiếp thị và xuất khẩu dầu thô khai thác từ các mỏ dầu ở khu vực người Kurd. Nghị sĩ Mohammed Nouri (M.Nu-ri), thành viên Ủy ban tài chính Quốc hội Iraq, cho biết, ngân sách mới sẽ bổ sung hơn nửa triệu việc làm mới trong lĩnh vực công.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quan sát cho rằng, Iraq nên cân nhắc thắt chặt chính sách tài khóa vì Iraq là một trong những nước có tốc độ tăng dân số nhanh nhất thế giới, dự kiến gần gấp đôi lên mốc 80 triệu dân vào năm 2050.
Theo Giáo sư thỉnh giảng Ahmed Tabaqchali tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc London School of Economics, khoảng 600.000 việc làm mới sẽ nâng ngân sách chi trả lương và lương hưu lên hơn 58 tỷ USD. Điều này sẽ gia tăng khả năng dễ bị tổn thương của nền kinh tế, buộc giá dầu phải tăng mạnh để đáp ứng chi tiêu ngân sách và có thể kéo theo nhiều khoản vay hơn.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo việc tăng lương cho nhân viên lĩnh vực công sẽ gia tăng áp lực tài chính khiến ngân sách quốc gia ngày càng thâm hụt, qua đó tạo thêm áp lực cho lĩnh vực dầu mỏ.
IMF đề xuất Iraq thắt chặt chính sách tài khóa để tăng cường khả năng chống chịu và giảm sự phụ thuộc của chính phủ vào nguồn thu từ dầu mỏ, bảo vệ các nhu cầu chi tiêu xã hội thiết yếu.
Nền kinh tế của Iraq chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu thô, chiếm hơn 90% doanh thu của nước này. Từ năm 2009, Iraq đã cho phép đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí. Bộ Dầu mỏ Iraq mới đây đã mời các công ty năng lượng quốc tế tham gia thăm dò và khai thác 13 mỏ dầu khí cùng các lô dầu khí tại quốc gia này.
Theo Bộ Dầu mỏ Iraq, trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Iraq đã tăng thêm lần lượt 10 tỷ thùng và khoảng 226 tỷ m3, lên mức tương ứng là 155 tỷ thùng và khoảng 3.964 tỷ m3.
Trong khi đó, Chính phủ Iraq mới đây công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm biến nước này thành trung tâm vận tải khu vực bằng việc phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt và đường bộ kết nối châu Âu với vùng Vịnh và các nước khác ở khu vực Trung Đông.
Khi được hoàn thành, dự án trị giá 17 tỷ USD mang tên “Con đường Phát triển” sẽ chạy dọc chiều dài đất nước trên 1.200km từ biên giới phía bắc giáp với Thổ Nhĩ Kỳ đến vùng Vịnh ở miền nam.
Dự án cũng bao gồm việc xây dựng khoảng 15 ga dọc tuyến đường, trong đó có các thành phố chính Basra, Baghdad và Mosul tới tận biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện Iraq đã bắt đầu nỗ lực tăng công suất của cảng thương mại Al-Faw bên bờ vùng Vịnh, nơi các tàu container sẽ dỡ hàng trước khi đưa lên các tuyến đường sắt và đường bộ.
Sau nhiều năm chiến tranh, quốc gia giàu dầu mỏ Iraq đã phải chứng kiến cơ sở hạ tầng xuống cấp. Các tuyến đường bộ rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và những tuyến đường kết nối thủ đô Baghdad với miền bắc lại chạy qua các khu vực mà các phần tử còn lại của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang thường xuyên tiến hành các vụ tấn công.
Việc đầu tư phát triển hành lang đường sắt và đường bộ sẽ cho phép Iraq nâng cao vị thế của mình nhằm biến nước này thành một trung tâm vận tải hàng hóa và đi lại ở khu vực, tạo thuận lợi cho việc giao thương và giúp Iraq thực hiện tham vọng đưa đất nước phát triển trở lại sau thời gian dài bị chiến tranh tàn phá.
Tuy nhiên, khó khăn về ngân sách cũng như những bất cập trong vấn đề quản lý hiện nay khiến Iraq còn đối mặt nhiều khó khăn ở phía trước.
Nguồn : Tin tức 24h